Các vị trí thường bị nổi hạch trên cơ thể, đừng chủ quan!
Việc xuất hiện của hạch ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều là một tín hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe. Dù nguyên nhân có là bệnh nguy hiểm hay chỉ là một phản ứng bình thường của cơ thể thì việc hiểu rõ về hạch sẽ giúp chăm sóc sức khỏe của bạn hợp lí và đầy đủ hơn.
Hạch là gì?
Hạch là một tổ chức lympho nằm rải rác tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể từ dưới da, trong phủ tạng cho đến vùng ổ bụng. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, đặc biệt trong việc đối phó với các bệnh nhiễm khuẩn. Khi bạn sờ, ấn vào hạch và cảm thấy sưng đau thì đó là một phản ứng tự nhiên của cơ thể. Thường thì hạch lành tính, nhưng khi nó xuất hiện cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm.
Khi hạch đóng vai trò chống lại các tác nhân gây bệnh, chúng có thể sưng to và đau. Điều này là hoàn toàn bình thường khi cơ thể đang có các phản ứng tự nhiên để chống lại nhiễm khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh. Sưng các u hạch là dấu hiệu cho thấy rằng hệ thống miễn dịch của cơ thể đang hoạt động để bảo vệ bạn.
Các vị trí thường bị nổi hạch
Một số nơi hạch có thể xuất hiện thường xuyên bao gồm:
1. Nách
Hạch nách có thể cảm nhận dễ dàng khi nó nổi lên, sờ thấy có đường viền, tròn hoặc hơi dài, cứng, ấn vào có độ di chuyển nhẹ, cảm giác hơi đau khi ấn. Chúng có kích thước lớn hay bé tùy thuộc vào nguyên nhân và là dấu hiệu của nhiều loại bệnh, từ nhiễm trùng cho đến ung thư.
Khi nguyên nhân của nổi hạch nách là do viêm sẽ thường đi kèm với các triệu chứng như đau, sưng vùng ngực, mệt mỏi và sốt. Những u hạch này là do đáp ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh nên chúng sẽ tự giảm dần mà không cần điều trị hoặc can thiệp. Tuy nhiên, khi nguyên nhân khác không phải là viêm, chúng ta cần chú ý vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một số bệnh nguy hiểm như:
- Các khối u trong các hạch bạch huyết hoặc xung quanh hạch bạch huyết.
- Các bệnh lý liên quan đến bạch cầu.
- Khối u lympho Hodgkin.
- Ung thư da hắc tố (melanoma).
- Khối u lympho không Hodgkin.
- Ung thư vú.
Đặc biệt, việc xuất hiện nổi hạch nách có thể là dấu hiệu cảnh báo cho bệnh ung thư vú đang trong giai đoạn phát triển, khi tế bào ung thư đã lan sang các hạch bạch huyết khu vực nách. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp các bác sĩ đánh giá giai đoạn bệnh.
Các dấu hiệu khác cảnh báo về ung thư vú mà bạn không nên xem thường như là sờ thấy các các cục ở vú, tiết dịch bất thường từ núm vú, thay đổi về hình dạng và kích thước của vùng vú, bề mặt da trên khối u trở nên sần sùi như da cam, cùng với các triệu chứng khác như sốt, chu kỳ kinh nguyệt không đều…
2. Cổ và sau tai
Hạch sau cổ là một vị trí khá phổ biến có thể liên quan đến nhiều bệnh lý, bao gồm nhiễm trùng cơ thể, ung thư đầu cổ, lao, ung thư tuyến giáp. Đối với trẻ em, đặc biệt là những trẻ có sức đề kháng yếu thì hạch có thể xuất hiện tự nhiên mà không cần có vấn đề bệnh lý, khi sức khỏe ổn định, chúng thường sẽ hết. Bình thường hạch cổ nhỏ, mềm mại và khó thấy khi kiểm tra. Tuy nhiên, khi bị viêm nhiễm hoặc có bệnh lý ung thư hạch sẽ phình to, đau, cứng và không còn di động được nữa.
Nổi hạch sau tai thường bị nhầm lẫn là do mụn trứng cá hoặc lipoma. Tuy nhiên, cần cẩn trọng vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho nhiều căn bệnh nguy hiểm, bao gồm:
- Bệnh ung thư: hạch sau tai nổi lên và sưng to có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh ung thư ở vùng đầu, cổ, đặc biệt là ung thư tuyến giáp. Thông thường, ở hầu hết người mắc bệnh ung thư tuyến giáp, các nốt sẽ tăng kích thước dần theo thời gian. Ban đầu, chúng có thể di động, nhưng sau này càng ngày nó càng bám chặt vào vùng sau tai, rất cứng và gây đau đớn.
- Bệnh ở hệ bạch huyết: hệ bạch huyết bao gồm nhiều hạch bạch huyết có nhiệm vụ lọc vi khuẩn và độc tố ra khỏi cơ thể. Khi hệ bạch huyết bị ảnh hưởng, các hạch bạch huyết này sẽ sưng to lên. Hiện tượng sưng hạch bạch huyết này có thể xảy ra ở khu vực quanh cổ và ảnh hưởng đến việc loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
- Triệu chứng của bệnh nhiễm trùng: khi virus và vi khuẩn tập trung tích tụ lại sẽ gây sưng và đau hạch, chúng nổi lên xung quanh cổ và vùng tai gây ra các bệnh như viêm họng, thủy đậu, sởi, mononucleosis,… Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng hơn.
- Bệnh u nang bã nhờn: hạch nổi ở vùng cổ và vùng sau tai có thể xuất phát từ u nang bã nhờn. Những khối u này thường hình thành trong các tuyến bã nhờn do tổn thương hoặc do sự ứ đọng trong quá trình sản sinh dầu. Một số thương tổn như vết trầy xước hay mụn trứng cá cũng có thể gây suy yếu tuyến bã nhờn và dẫn đến sự hình thành của các u nang này.
3. Bẹn
Sưng hạch bẹn thường là do bệnh nhiễm khuẩn ở bộ phận sinh dục – tiết niệu như bệnh do vi khuẩn Chlamydia, bệnh giang mai.
Nếu bị tổn thương và nhiễm khuẩn ở vùng chi dưới, vùng quanh hố chậu, thì hạch bẹn cũng có thể sưng to và đau.
Ngoài ra, một số bệnh về máu như bệnh bạch cầu cấp có thể là nguyên nhân gây sưng hạch bẹn. Trong trường hợp này, u hạch sẽ có kích thước lớn, mềm, và có khả năng di động, thường xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Ngoài sưng hạch, bệnh nhân cũng có thể trải qua triệu chứng sốt cao, lách to nhanh, và xuất huyết.
Trong bệnh bạch cầu mạn tính thể lympho sẽ xuất hiện nhiều hạch nhưng với kích thước nhỏ, chúng phát triển rất nhanh và sau vài tháng, chúng sẽ to ra, mềm và có khả năng di động.
Phân biệt hạch lành tính và ác tính
Phân biệt giữa hạch lành tính và hạch ác tính là rất quan trọng để đảm bảo chẩn đoán và điều trị đúng cách. Cách phân biệt là dựa trên đặc điểm tính chất của nó:
- Kích thước: hạch lành tính thường có kích thước nhỏ, chỉ khoảng vài mm đến dưới 1cm và thường không thay đổi phát triển kích thước nhanh chóng theo thời gian. Trong khi đó, hạch ác tính thường lớn hơn và kích thước của chúng có xu hướng tăng nhanh theo thời gian, đồng thời có thể xuất hiện tại nhiều vị trí trên cơ thể.
- Khả năng di động: hạch lành tính thường có khả năng di động tốt, không dính vào các tổ chức xung quanh. Ngược lại, hạch ác tính thường di động kém, khi sờ vào khó lay chuyển.
- Thời gian nổi hạch: hạch lành tính thường biến mất sau vài ngày hoặc nhiều nhất là sau 3-4 tuần. Nếu nổi các u hạch kéo dài và không biến mất sau 1 tháng thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cho các bệnh lý mãn tính hoặc tiền ung thư.
- Các bệnh lý đi kèm: hạch lành tính thường sẽ xuất hiện khi có viêm nhiễm vùng lân cận và sau đó co lại rồi biến mất khi tình trạng viêm nhiễm được kiểm soát.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng phân biệt hạch lành tính và ác tính. Thực tế, tính chất của chúng có thể biến đổi theo từng trường hợp bệnh cụ thể. Vì vậy, khi có triệu chứng hạch nổi lên mà không rõ nguyên nhân, nên tìm đến các cơ sở y tế chuyên nghiệp và uy tín để thăm khám và chẩn đoán chính xác. Dựa trên vị trí và kết quả kiểm tra lâm sàng, bác sĩ có thể đề xuất các xét nghiệm thêm như nội soi, siêu âm vùng tương ứng, chụp CT, hoặc sinh thiết tế bào.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hoặc muốn tư vấn kỹ hơn, xin vui lòng nhấc máy gọi cho chúng tôi với tổng đài miễn cước là 1800 6527 để được trao đổi trực tiếp với Dược sĩ chuyên môn.
Tìm hiểu thêm: Máu trắng là bệnh gì? Triệu chứng và cách điều trị