U tuyến giáp: nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng nguy hiểm
U tuyến giáp là một bệnh phổ biến và thường gặp. Tuy nhiên, có hơn 90% trường hợp được phát hiện chỉ gây tổn thương lành tính, và chỉ có từ 4,0 – 6,5% là ung thư.
U tuyến giáp là gì?
U tuyến giáp, hay còn gọi là nhân tuyến giáp, là tình trạng xuất hiện các khối/nốt đặc hoặc lỏng phát triển không bình thường bên trong nhu mô tuyến giáp. Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm ở vùng cổ trước, ngay trên xương ức, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chức năng nội tiết của cơ thể.
Hầu hết các u là lành tính, chỉ có một số ít có thể hình thành ung thư tuyến giáp. U tuyến giáp thường không gây ra triệu chứng hoặc chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, nên chúng chỉ được phát hiện tình cờ trong quá trình thăm khám định kỳ qua siêu âm vùng cổ.
Các u tuyến giáp được phân thành 2 loại là ung thư và không ung thư:
- Ung thư tuyến giáp: ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, thể nhú và thể tuỷ
- Không ung thư: các u lành tính có thể là nang tuyến giáp, nang hỗn hợp, viêm tuyến giáp,…
Biểu hiện của u tuyến giáp
Thường thì khối u có kích thước nhỏ (dưới 1cm) sẽ không có các triệu chứng rõ ràng và không ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày. Các trường hợp này chỉ có thể được phát hiện thông qua siêu âm. Tuy nhiên, khi khối u phát triển to trên 1cm có thể bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng sau:
- Cổ phình to ra hoặc có thể cảm nhận thấy rõ khối u ở cổ bằng cách sờ.
- Giọng khàn.
- Ho kéo dài.
- Khó nuốt hoặc bị nghẹn khi nuốt thức ăn.
- Một số trường hợp có thể xuất hiện triệu chứng liên quan đến cường giáp như: cảm giác tay run, nhịp tim tăng nhanh, tiết mồ hôi nhiều, buồn nôn.
- Đối với trường hợp khối u tuyến giáp ác tính có thể kèm theo các triệu chứng như nổi hạch ở cổ và sút cân.
Nguyên nhân u tuyến giáp
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra u ở tuyến giáp, bao gồm:
- Bức xạ ion hóa: đây là một nguyên nhân gây ra cả u tuyến giáp lành tính và ác tính. Những người tiếp xúc với bức xạ ion hóa tiến triển thành u tuyến với tỷ lệ khoảng 2% mỗi năm. Tỷ lệ bệnh ác tính được ghi nhận khá cao, chiếm từ 20 – 50% trong tổng số các ca mắc.
- Sự thiếu hụt hoặc dư thừa i-ốt: sự thiếu hụt hoặc dư thừa chất i-ốt trong chế độ ăn uống hằng ngày có thể gây ra u tuyến giáp lành tính.
- Những yếu tố khác: các yếu tố khác gây tăng nguy cơ mắc u tuyến giáp và bướu cổ bao gồm: hút thuốc lá, béo phì, hội chứng chuyển hóa, tiêu thụ nhiều bia rượu, u xơ tử cung,…
Bệnh u tuyến giáp có nguy hiểm không?
Như đã nói, các khối u ở tuyến giáp đến 90% là lành tính, chỉ có 4,5-6% là tiến triển thành khối u ác tính
- Đối với u tuyến giáp lành tính: nó có thể gây biến chứng cường giáp với các biểu hiện như đổ mồ hôi, đánh trống ngực, rối loạn dung nạp glucose, giảm cân, yếu cơ, yếu xương, chịu lạnh kém, hay lo lắng, cáu kỉnh,…. Hoặc nó có thể gây khó nuốt, khó thở,…
- Hình thành ung thư tuyến giáp: giống như các loại ung thư khác, ung thư tuyến giáp ác tính có nhiều biến thể khác nhau. Thể nhú là loại phổ biến nhất, thường có tiên lượng tốt và có thể chữa khỏi hoàn toàn. Các biến thể khác, chẳng hạn như thể tủy hay thể không biệt hóa, có khả năng di căn đến các cơ quan khác nhau, nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 10%.
Đối tượng thường mắc u tuyến giáp
U tuyến có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng có một số đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn như:
- Phụ nữ: có nguy cơ cao hơn so với nam giới khi mắc các bệnh về tuyến giáp, đặc biệt là trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh vì các biến đổi hormone trong thời kỳ này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp.
- Người có tiền sử gia đình: nếu trong gia đình từng có người mắc các vấn đề về tuyến giáp, thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
- Người trên 40 tuổi: người trưởng thành và người cao tuổi có nguy cơ mắc các vấn đề về tuyến giáp nhiều hơn.
- Người dùng tia bức xạ: điển hình như bệnh nhân điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, những công nhân làm việc trong nhà máy có các tia xạ có thể gây ra các vấn đề ở tuyến giáp, trong đó có u tuyến giáp
- Người sử dụng một số loại thuốc: có một số loại thuốc như lithium (dùng trong bệnh trầm cảm) và amiodarone (thuốc chống rối loạn nhịp tim) có thể gây ra tình trạng u ở tuyến giáp.
Nếu thuộc một trong những nhóm người này hoặc có triệu chứng kể trên nghi ngờ liên quan đến các vấn đề ở tuyến giáp, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, kiểm tra tuyến giáp giúp phát hiện và điều trị sớm nhất có thể.
Phòng tránh u tuyến giáp
Để phòng tránh u tuyến và bảo vệ sức khỏe của tuyến giáp có thể được thực hiện thông qua các cách sau:
- Tránh tiếp xúc với tia phóng xạ, bức xạ, hoặc các chất độc hại: nếu làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố độc hại như làm trong nhà máy hạt nhân hoặc xưởng sản xuất linh kiện điện tử, hãy tuân thủ các quy trình bảo vệ sức khỏe, mặc đồ bảo hộ đầy đủ để đảm bảo an toàn và phòng tránh hình thành các khối u ở tuyến giáp cũng như nhiều bệnh lý khác.
- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh
- Phát hiện những thay đổi bất thường trong cơ thể: như giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, nổi hạch ở cổ hãy tham khảo ngay ý kiến bác sĩ.
- Tự kiểm tra vùng cổ: bằng cách đứng trước gương và ngửa cổ ra sau, quan sát kĩ vùng cổ để phát hiện những dấu hiệu bất thường.
- Tuân thủ chế độ sinh hoạt khoa học: ưu tiên bổ sung rau xanh và củ quả, cung cấp đầy đủ i-ốt cho cơ thể thông qua thực phẩm như tảo, rong biển, hải sản. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo và đồ ăn chiên rán chế biến sẵn. Tránh uống rượu và tránh sử dụng các chất kích thích.
- Duy trì trọng lượng cơ thể ổn định: có một vóc dáng cân đối có thể giúp phòng tránh nhiều bệnh, bao gồm u tuyến.
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ: giúp phát hiện sớm những biểu hiện bất thường trong cơ thể, ngay cả khi không có triệu chứng bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao kể trên.
Tuy tỉ lệ gây biến chứng nguy hiểm của u tuyến giáp không nhiều nhưng chúng ta không nên quá chủ quan. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì hay cần tư vấn rõ hơn, vui lòng liên hệ tới tổng đài miễn cước 1800 6527 để được nghe tư vấn từ Dược sĩ chuyên môn của Kame Fucoidan.
Tìm hiểu thêm: Tổng quan về tuyến giáp: vị trí, chức năng, bệnh hay gặp