Hướng dẫn xử trí xuất huyết tiêu hóa theo phân độ Forrest

 383 lượt xem

Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng là một tình trạng cấp cứu nguy hiểm, cần chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn. Trong nhiều thập kỷ, phân độ Forrest đã được sử dụng để phân tầng nguy cơ và định hướng can thiệp xuất huyết tiêu hóa. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu phân độ Forrest là gì và hướng xử trí xuất huyết tiêu hóa theo phân độ Forrest.

1. Phân độ Forrest là gì?

Phân loại Forrest là một hệ thống phân loại phổ biến được sử dụng để đánh giá xuất huyết tiêu hóa liên quan đến loét dạ dày tá tràng.

Phân độ Forrest xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1974 bởi J.A. Forrest và đồng nghiệp của ông. Ban đầu, mục tiêu của phân loại này là để đồng nhất cách mô tả về chảy máu do loét dạ dày – tá tràng, giúp việc trao đổi thông tin giữa các bác sĩ nội soi dạ dày tốt hơn. Hiện nay, phân độ Forrest đã trở thành một công cụ quan trọng để xác định những bệnh nhân có nguy cơ cao hơn của xuất huyết, xuất huyết tái phát và nguy cơ có thể gây tử vong.

Xuất huyết tiêu hóa 
Xuất huyết tiêu hóa

Phân độ Forrest chia thành hai loại: nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Trong nguy cơ cao bao gồm các loại độ Ia, Ib, IIa và IIb, còn nguy cơ thấp bao gồm độ IIc và độ III.

Phần tiếp theo của bài viết sẽ thông tin chi tiết đến bạn đọc về các phân độ này.

2. Bảng phân độ Forrest đối với loét dạ dày dựa trên nội soi

Bảng phân độ Forrest đối với loét dạ dày dựa trên nội soi: 

Nguy cơ cao Mức độ  Hình ảnh nội soi  Tỷ lệ tái phát xuất huyết nếu không điều trị (%) Tỷ lệ tử vong (%)   Điểm
Ia Máu phun thành tia  55% 11% 1
Ib Rỉ máu  55% 11% 2
IIa Có mạch máu nhưng không chảy máu  43% 11% 3
IIb Có cục máu đông dính chặt ổ loét 22% 7% 4
Nguy cơ thấp IIc Có cặn đen (Ổ loét phẳng bao phủ bởi sắc tố đen trên nền ổ loét) 10% 3% 5
III Đáy ổ loét sạch (không phát hiện dấu hiệu xuất huyết gần đây) 5% 2% 6

3. Xử trí xuất huyết tiêu hóa theo phân độ Forrest 

Phân độ Forrest giúp định hướng cách xử trí xuất huyết tiêu hóa có thể tham khảo dưới đây. 

Điểm  Phân độ Forrest  Xử trí 
1 – 2 Ia, Ib Cần nội soi can thiệp để cầm máu, phối hợp tiêm cầm máu với các phương pháp cầm máu khác (kẹp clip, nhiệt APC), PPI bolus (80mg) kết hợp truyền liên tục 8mg/1 giờ trong 72 giờ, kiểm tra vi khuẩn Helicobacter Pylori

Có chế độ ăn uống phù hợp. 

3 IIa Nội soi can thiệp để cầm máu, cầm máu bằng kẹp clip/đầu dò nhiệt hoặc phối hợp với tiêm epinephrine, PPI bolus (80mg) kết hợp truyền liên tục 8mg/1 giờ trong 72 giờ, kiểm tra vi khuẩn Helicobacter Pylori

Có chế độ ăn uống phù hợp. 

4 IIb Xem xét phương pháp phá cục máu đông (tiêm epinephrine, nếu đánh giá có nguy cơ chảy máu cao sau khi phá cục máu đông cần xử trí can thiệp cầm máu như Ia,Ib,IIa. Và/hoặc PPI bolus (80mg) kết hợp truyền liên tục 8mg/1 giờ trong 72 giờ, kiểm tra vi khuẩn Helicobacter Pylori

Có chế độ ăn uống phù hợp. 

5 – 6 IIc, III Không cần phải can thiệp nội soi, sử dụng phác đồ PPI đường uống, kiểm tra vi khuẩn Helicobacter Pylori và điều trị nếu có.

Lên kế hoạch cho chế độ ăn phù hợp. 

Trong trường hợp xuất huyết tái phát, nội soi can thiệp cầm máu lần 2. Nếu không cầm được máu hoặc xuất huyết tái phát sau 2 lần, cần can thiệp: 

  • Cân nhắc điều trị bằng Hemostatic spray/ hoặc over the scope clip
  • Hoặc nút mạch TAE/phẫu thuật

Giải thích bảng

Tiêm cầm máu: sử dụng thuốc tiêm cầm máu là adrenalin (1:10.000) là một phương pháp phổ biến tại Việt Nam với chi phí thấp, có tác dụng gây chèn ép và co mạch tại chỗ. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là thời gian tác dụng ngắn. Phương pháp này thường tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các thủ thuật can thiệp tiếp theo.

Nội soi can thiệp để cầm máu
Nội soi can thiệp để cầm máu

Cầm máu cơ học: để cầm máu trực tiếp tại điểm chảy máu, có thể sử dụng kẹp clip hoặc thắt vòng cao su. Hiện có ba loại clip phổ biến: quick clip (loại xoay), triclip (clip 3 cạnh) và resolution clip. Các loại clip này có thể mở ra kẹp lại nếu chưa đủ chặt.

Gần đây, có một loại kẹp clip mới là OTSC (over the scope clip) đã được áp dụng để điều trị các trường hợp ổ loét lớn, khó cầm máu hoặc ổ loét biến chứng thủng hoặc rò. Loại clip này có tác dụng hiệu quả trong các trường hợp chảy máu từ mạch máu lớn. Tuy nhiên, khi gặp phải các tổn thương mạch máu lớn hơn 2mm, cần can thiệp phẫu thuật. 

Cầm máu bằng đầu dò nhiệt: gây phù nề hoặc đông protein bằng đầu dò tiếp xúc trực tiếp (bao gồm cả đầu dò đơn cực và đa cực) hoặc không tiếp xúc (argon plasma). Phương pháp này thường được áp dụng để xử lý các trường hợp chảy máu từ các mạch máu nhỏ có đường kính khoảng 0,25mm.

Thuốc ức chế bơm proton PPI

Thuốc ức chế bơm proton PPI
Thuốc ức chế bơm proton PPI

Mục tiêu của việc sử dụng PPI là duy trì độ pH trong dạ dày trên 6.0, từ đó giữ cho nút cầm máu trong ổ loét không bị phân giải fibrin.

PPI liều cao được khuyến nghị cho các trường hợp ổ loét đang chảy máu (Forrest Ia, Ib) hoặc ổ loét có nguy cơ tái phát chảy máu sau khi đã được can thiệp nội soi (Forrest IIa, IIb). Phương pháp sử dụng bao gồm tiêm tĩnh mạch một lượng bolus 80mg, sau đó tiếp tục truyền tĩnh mạch với liều 8mg/giờ trong 72 giờ. Nếu không tái chảy máu, có thể chuyển sang sử dụng thuốc viên với liều 40mg/ngày trong 28 ngày. Các loại PPI thích hợp cho việc truyền tĩnh mạch bao gồm esomeprazole 40mg và pantoprazole 40mg. Không sử dụng omeprazole.

Đối với các ổ loét đã kiểm soát chảy máu và có nguy cơ chảy máu thấp (Forrest IIc, III), PPI thường được sử dụng qua đường uống, với liều chuẩn, dùng trước bữa ăn sáng. Các loại PPI thường dùng bao gồm esomeprazole 40mg/ngày, pantoprazole 40mg/ngày, rabenprazole 20mg/ngày, lansoprazole 30mg/ngày và omeprazole 40mg/ngày. Trong phác đồ điều trị H. pylori, liều PPI thường được tăng gấp đôi so với liều chuẩn.

Bài viết trên hy vọng đã giúp quý bạn đọc hiểu được phần nào về phân độ Forrest và hướng xử trí xuất huyết tiêu hóa theo nó. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Fanpage hoặc để lại bình luận phía dưới comment để cùng thảo luận.

Có thể bạn quan tâm: Mã ICD xuất huyết tiêu hóa

Có thể bạn quan tâm:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận